Rau sạch hay còn gọi là rau an toàn là loại rau được sản xuất theo quy trình kỹ thuật bảo đảm được tiêu chuẩn sau: Hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc kích thích... nhằm iảm tối đa lượng độc tố tồn đọng trong rau như nitrat, thuốc trừ sâu, kim loại nặng và vi sinh vật gây bệnh.
Rau chỉ được coi là sạch nếu người sản xuất tuân thủ các biện pháp kỹ thuật sau:
Chọn đất: Vùng đất trồng rau sạch, chưa bị ô nhiễm bởi các kim loại nặng (thủy ngân, asen...), chưa bị ảnh hưởng của nước thải công nghiệp (do ở gần các xí nghiệp, nhà máy nước thải chưa được xử lý).
Giảm lượng phân đạm bón cho các loại rau xanh vì phân đạm chứa nitrat. Khi ăn vào, nitrat sẽ chuyển thành nitrit, chúng kết hợp với các amin tạo nên các nitro amin gây bệnh, làm giảm hô hấp của tế bào, ảnh hưởng đến các hoạt động của tuyến giáp, gây đột biến và phát triển các khối u, nhất là các em gái rất dễ bị ngộ độc với nitrat. Lượng nitrat trong rau phụ thuộc nhiều vào kỹ thuật canh tác. Bón càng nhiều phân hóa học thì lượng nitrat càng lớn. Bón các loại phân đạm có chứa nitrat thì lượng nitrat cao hơn bón các loại phân urê, sulfat đạm. Bón lót sớm, đúng lúc thì lượng nitrat thấp, bón muộn quá trước khi thu hoạch thì lượng nitrat trong rau cao. Bón phân hóa học đúng quy định, kết hợp với phân chuồng, phân xanh và phân vi lượng là biện pháp làm giảm nitrat trong rau. Nên sử dụng phân hữu cơ, phân chuồng hoai, mục để giảm các mầm bệnh, đặc biệt là các vi sinh vật có hại.
Không tưới rau bằng phân bắc, phân chuồng tươi, nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, các loại nước đã bị nhiễm bẩn.
Không phun thuốc trừ sâu, vì thuốc trừ sâu có chứa nhiều gốc hóa học như DDT, 666, thủy ngân... gây độc hại cho cơ thể. Phun thuốc trừ sâu bừa bãi làm độc tố tồn dư trong đất cao và nguy hại hơn nữa là chúng hòa tan vào các nguồn nước sinh hoạt cho người sử dụng. Hiện nay, việc sử dụng phân hữu cơ hoai, mục, phân vi sinh tổng hợp, ứng dụng các biện pháp phòng trừ dịch bệnh tổng hợp (IPM) đối với sản xuất nông nghiệp nói chung và với rau nói riêng đang được khuyến khích. Với thuốc trừ sâu, không nên mua các loại thuốc không rõ nguồn gốc.
Không nên thu hoạch ngay sau khi bón phân, hoặc nhất là khi mới phun thuốc trừ sâu. Mỗi loại thuốc đều có thời gian phân giải, phân hủy an toàn khác nhau, cho nên thời gian thu hoạch cũng khác nhau. Tuyệt đối không được thu hoạch rau ngay sau khi phun thuốc trừ sâu. Phải bảo đảm đủ thời gian phân hủy sau khi phun, tưới mới được thu hoạch và mang bán.
Trích nguồn: internet
Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra lợi ích của lạc và các loại hạt đối với sức khỏe con người. Gần đây, một nghiên cứu xuất bản trên Tạp chí quốc tế về Dịch tễ học được tiến hành bởi giáo sư Piet van den Brandt và cộng sự đến từ Đại học Maastricht, Hà Lan đã góp phần củng cố luận điểm này. Theo đó, việc tiêu thụ lạc và các loại hạt có thể giúp cơ thể chống lại nguy cơ tử vong từ nhiều loại bệnh khác nhau, kể cả ung thư, tim mạch và tiểu đường.
Lạc và các loại hạt là nguồn cung cấp omega-3, chất xơ, vitamin E, chất chống oxy hóa và chất béo Do đó, những loại hạt này rất có lợi cho sức khỏe, đặc biệt đối với hệ tim mạch. Các nghiên cứu trước đây cho thấy việc tiêu thụ các loại hạt giúp giảm nguy cơ huyết đóng cục, làm giảm cholesterol và giảm nguy cơ rối loạn nhịp tim. Chẳng những thế, trong tháng ba vừa qua (2015), trang Thông tin y học ngày nay (Medical News Today) đưa tin về một nghiên cứu cho biết sử dụng hạt có liên hệ với việc giảm 20% nguy cơ tử vong do bệnh tật nói chung và các bệnh liên quan tới tim mạch nói riêng.
Trong nghiên cứu mới này, Giáo sư Brandt và cộng sự nhận thấy rằng ăn lạc (một loại cây thuộc họ đậu) và các loại hạt có thể làm giảm nguy cơ tử vong từ các loại bệnh, trong đó hiệu quả cao hơn được ghi nhận ở một số bệnh so với các bệnh còn lại.
Để đạt được kết quả cuối cùng, các nhà nghiên cứu đã tiến hành đánh giá dữ liệu từ hơn 120.000 người đàn ông và phụ nữ trong độ tuổi 55-69 ở Hà Lan. Tất cả những người tham gia được hỏi về mức độ thường xuyên tiêu thụ lạc, các loại hạt và bơ lạc, cũng như số lượng mà họ tiêu thụ. Sau đó nhóm tác giả đã đánh giá mối liên hệ giữa việc sử dụng các loại thực phẩm này và nguyên nhân tử vong cụ thể trong số những người được điều tra từ năm 1986 (thời điểm nghiên cứu bắt đầu).
Các kết quả nghiên cứu cho thấy những người tham gia tiêu thụ khoảng 15 gram lạc hoặc các loại hạt mỗi ngày (tương đương với khoảng một nửa nắm tay) có nguy cơ tử vong thấp hơn so với người không tiêu thụ trong một loạt các loại bệnh, kể cả ung thư, tiểu đường, bệnh về đường hô hấp, tim mạch và thoái hóa thần kinh. Trong đó, những thực phẩm này có tác dụng mạnh nhất với các bệnh về đường hô hấp và thoái hóa thần kinh, và kết quả này ở nam giới và phụ nữ là tương đương nhau. Đáng chú ý là việc tiêu thụ bơ lạc không có tác dụng giảm nguy cơ tử vong. Nhóm nghiên cứu cho biết điều này có thể là do bơ lạc có chứa muối, dầu thực vật và các chất béo dạng trans, và những chất này có thể làm mất đi tác dụng có lợi cho sức khỏe của lạc.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng ăn nhiều hơn 15 gram hạt hàng ngày cũng không giúp giảm nguy cơ tử vong hơn nữa. Phát hiện này là phù hợp với nhiều nghiên cứu trước đây về lượng hạt tiêu thụ. Theo đó, tỷ lệ tử vong do ung thư và bệnh đường hô hấp không giảm thêm dù lượng hạt tiêu thụ được tăng lên
Nhiều nghiên cứu đã đánh giá cao những lợi ích của việc tiêu thụ hạt cùng với chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải. Trong tháng 5 (2015), một nghiên cứu được công bố trên tạp chí của Hội y khoa Hoa Kỳ cho thấy chế độ ăn Địa Trung Hải có bổ sung thêm các loại hạt hoặc dầu ô liu có thể bảo vệ chức năng nhận thức ở người cao tuổi, trong khi một nghiên cứu được công bố trong tháng 10 năm 2014 chứng minh rằng chế độ ăn này có thể giúp điều trị Hội chứng chuyển hóa.
Trích nguồn: https://thucphamcongdong.vn/an-lac-va-cac-loai-hat-hang-ngay-giup-giam-nguy-co-tu-vong-do-benh-tat-1-e-1.html